PGS.TS. NCVCC. Phạm Gia Điền: Còn sức, tôi còn cống hiến
VNHN – Vượt qua những khó khăn, thử thách, bằng niềm say mê khoa học, làm việc, ông đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm giá trị, ý nghĩa cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ông là PGS.TS.NCVCC Phạm Gia Điền – nguyên Trưởng phòng Công nghệ các hoạt chất sinh học, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Hóa dược và Hóa sinh hữu cơ, Viện Hoá học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
PGS.TS Phạm Gia Điền
PGS.TS Phạm Gia Điền sinh năm 1950. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp tại Liên Xô cũ. Năm 1989, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Bungari. Với những cống hiến và đóng góp không ngừng nghỉ của mình, năm 2004, ông được Nhà nước phong chức danh Phó giáo sư. Nhắc đến PGS.TS Phạm Gia Điền là nhắc đến những công trình khoa học tiêu biểu như: “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế tạo hạt nhựa tái sinh LLDPE từ chai truyền đã qua sử dụng; Nghiên cứu chế tạo hệ mang thuốc thông minh có kích thước nano chứa nano bạc, nano sắt từ và curcumin (Ag – Fe3O4 – Cur) nhằm tăng cường khả năng điều trị ung thư; Nghiên cứu quy trình công nghệ chiết tách tinh chế rutin từ nụ hòe; Hoàn thiện dây truyền thiết bị chiết tách dầu gấc chất lượng cao; Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết tách rontunđin từ củ bình vôi, vitexin từ vỏ hạt đậu xanh. Đặc biệt, Ông đã cùng GS. Ilia Ognhianov thuộc Viện Hàn lâm Bungari là những người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công công nghệ chiết tách hợp chất artemisinin làm thuốc chữa bệnh sốt rét từ lá cây thanh hao hoa vàng với quy mô công nghiệp. Nhờ có công nghệ này mà trong thời gian 2 năm từ 1991 đến 1992 nước ta đã sản xuất được 3 tấn artemisinin đủ nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh sốt rét cho cả nước.
Là tác giả của sản phẩm artemisinin – thuốc chữa bệnh sốt rét, loại thuốc đã thay thế thành công các sản phẩm nhập ngoại, các sản phẩm đã bị nhờn không còn tác dụng với ký sinh trùng sốt rét, làm lợi cho Việt Nam mỗi năm 20 triệu USD, trò chuyện cùng chúng tôi, PGS.TS Phạm Gia Điền cho rằng, Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào, tiếc là không làm chủ được công nghệ chế biến để mang lại giá trị cao. Ông kể, trước đây ông đam mê thiên văn và chế tạo máy. Khi đi học lại chọn ngành hóa phân tích rồi sang hóa dược. Cũng nhờ sở thích về chế tạo máy mà đến giờ ông tự thiết kế, lắp đặt được các loại máy trong phòng thí nghiệm của mình. Ngoài ra, ông còn tự nhận mình là “thầy lang” bởi ông đã tập hợp được hơn 20 lương y họ là những thầy lang có tiếng trên cả nước, cùng với họ hoàn chỉnh những bài thuốc gia truyền làm cho các bài thuốc hoàn thiện hơn, tác dụng điều trị tăng lên, giảm tác dụng phụ, dễ sử dụng. Ông còn cùng với họ tìm kiếm, khai thác phát triển những cây thuốc mới, có những hoạt tính quý mà cha ông của họ truyền lại để tạo ra những sản phẩm chữa trị một số bệnh nan y như ung thư, cai ma túy, đặc biệt là thuốc trị bệnh HIV. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn AIDS đã được chữa khỏi.
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, hoạt chất artemisinin được chiết tách từ lá cây thanh hao hoa vàng ngoài ứng dụng để phòng chống bệnh sốt rét nó còn có rất nhiều hoạt tính tiềm năng khác. Nếu được đầu tư bài bản, có thể phát triển thành thuốc chống ung thư. Một số loại thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, một số chế phẩm dùng trong nông nghiệp hoàn toàn có thể phát triển từ artemisinin, nhưng rồi đủ cái khó dẫn đến không thể tiến hành nghiên cứu triển khai tiếp được. Những sản phẩm như rontundin được chiết xuất từ củ bình vôi để làm thuốc an thần, dầu gấc từ màng gấc rutin rutin từ nụ hoa hòe và nhiều hoạt chất khác được chiết xuất từ nguồn nguyên liệu dồi dào chất lượng cao của nước ta có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư bài bản để trở thành sản phẩm quốc gia chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trên thế giới.
PGS.TS.NCVCC. Phạm Gia Điền phát biểu tại Hội thảo về Ứng dụng Công nghệ trong sản xuất sản phẩm hỗ trợ giảm cân an toàn
Hiện nay, PGS.TS Phạm Gia Điền vẫn đang giúp một số công ty dược để cho ra các sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô, dùng thô, chưa ai nghĩ đến việc có thể làm ra sản phẩm tinh như artemisinin xuất khẩu ra thế giới. Ông cho biết, ở nước ngoài khi nhà khoa học chứng minh được một cây có thể làm thuốc thì sẽ có công ty phía sau hỗ trợ và mua bản quyền với giá cao rồi đưa vào ứng dụng trong cuộc sống. Còn ở Việt Nam, quá trình này còn thiếu và yếu. Các nhà khoa học và công ty dược chưa có mối liên hệ tốt. Giai đoạn chuyển từ phòng thí nghiệm sang khâu sản xuất càng yếu hơn. Bên cạnh đó, công nghệ chưa đi đôi với thiết bị. Nhiều khi công nghệ đã có nhưng thiết bị quá đắt tiền, không thể mua được nên công nghệ chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc khá hơn thì ở vài dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ.
Hiện nay, ông vẫn đang miệt mài nghiên cứu công nghệ chế tạo và ứng dụng tỏi đen, đông trùng hạ thảo làm ra một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Về công nghệ, có thể làm chủ được ở khâu nào, ông truyền đạt lại cho các thế hệ nhà khoa học trẻ ở khâu đó. Trong các hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài nghiên cứu, ông luôn quyết liệt bênh vực những người trẻ nếu đề tài nghiên cứu đó thể hiện tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao, để họ có thể triển khai tạo ra được sản phẩm cuối cùng. Nay đã ở tuổi nghỉ ngơi, vui vầy cùng còn cháu, nhưng như ông vẫn thường hay bảo “còn sức, tôi còn cống hiến”, ngày ngày ông vẫn miệt mài dành nhiều tâm sức, trí lực say mê làm việc không ngừng nghỉ. Ông mong mỏi đến một lúc nào đó, giới khoa học Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ để tận dụng được tài nguyên dược liệu phong phú trong nước.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến ý nghĩa, đáng trân trọng của PGS.TS Phạm Gia Điền với sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ KH & CN, lãnh đạo Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen ý nghĩa.